Các nhà máy xen cài trong khu dân cư đã hình thành từ nhiều năm trước có đóng góp không nhỏ cho Bình Dương, nay với tình hình mới phải di dời vào khu tập trung, nhưng sẽ có lộ trình và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Ngày 6-10, tại Đại hội Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thanh Hà – phó giám đốc Sở Công Thương – đề nghị hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và góp ý, đồng hành với chính quyền khi thực hiện chủ trương lớn là di dời nhà máy khỏi khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Bà Hà cho biết khi di dời nhà máy sẽ có tính toán, đánh giá tác động cụ thể, xem xét từng trường hợp với tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, trước khi thực hiện thì cơ quan chức năng sẽ lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp để không làm xáo trộn sản xuất, ảnh hưởng tới công nhân và doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Dương cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, cũng như nghiên cứu hình thành các cụm công nghiệp mới cho các doanh nghiệp phải di dời.

Theo thống kê, Bình Dương hiện có hàng ngàn nhà xưởng xen cài giữa các khu dân cư, tập trung tại các đô thị phía nam của tỉnh, giáp với TP.HCM gồm: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên…

Từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp”.

Base64 16965966348191010404370

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, khi chủ trương di dời nhà máy được tỉnh Bình Dương công bố, rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã bày tỏ tâm tư, lo lắng. Theo các doanh nghiệp, các nhà máy xen cài trong khu dân cư đã hình thành từ những ngày đầu phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương và có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh. Không phải nhà máy nào xen cài khu dân cư cũng gây ô nhiễm hay ảnh hưởng đến người dân, nên cần có đánh giá, phân loại cụ thể.

Ngoài ra, khi di dời nhà máy từ phía nam của Bình Dương lên các huyện thị phía bắc thì còn phải tính tới việc thiếu hụt lao động, chỗ ở của công nhân, cũng như thời hạn các nhà máy vẫn còn hiệu lực theo giấy phép được cơ quan nhà nước cấp…

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời điểm bắt đầu đề án di dời nhà máy có chậm lại. Nhưng việc di dời nhà máy sẽ được triển khai trong thời gian tới theo lộ trình và sẽ hoàn thành vào năm 2030.

Bình Dương vẫn xuất siêu, thuộc top đầu cả nước về xuất nhập khẩu

Đại hội Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (nhiệm kỳ 2023-2028) đã bầu ban chấp hành gồm 12 thành viên.

Ông Phạm Văn Xô – chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương – cho biết do ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, nhưng Bình Dương vẫn là “ngôi sao sáng” thuộc top dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Bình Dương xuất siêu khoảng 6,9 tỉ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 23 tỉ USD, nhập khẩu đạt khoảng 16,1 tỉ USD. Tại Bình Dương, bên cạnh đóng góp của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng có vai trò lớn, khi đóng góp giá trị xuất siêu hơn 1,8 tỉ USD trong những tháng đầu năm.

 

TIN TỨC LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *