Theo quy hoạch, TP Tân An sẽ mở rộng, phát triển không gian đô thị, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm để đạt các tiêu chí loại I vào năm 2025.

UBND tỉnh Long An muốn xây dựng Tân An thành đô thị văn minh, thông minh, đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và được công nhận đô thị loại I trước năm 2030. Theo ông Nguyễn Minh Hùng – Chủ tịch UBND TP Tân An, sau gần 4 năm được công nhận đô thị loại II, địa phương có lợi thế khi đang đầu tư nhiều cho chương trình phát triển đô thị. Trong đó, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, kiến trúc đô thị; nhiều dự án, công trình liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng khu dân cư. Đặc biệt, thành phố có những công trình mang tính động lực.

Hiện tại, địa phương trung tâm của tỉnh Long An chưa đạt nhiều tiêu chí, trong đó có quy mô và mật độ dân số. Để đạt chuẩn, thành phố trực thuộc tỉnh phải có dân số 500.000 người trở lên và có mật độ nội thành tối thiểu 10.000 người mỗi km2. Tân An mới có dân số khoảng 200.000 người.

Để phát triển đô thị, địa phương nghiên cứu đề xuất mở rộng, phát triển không gian, có kế hoạch xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024. Đặc biệt, thành phố chú trọng phối hợp, đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát triển các dự án dân cư; triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải cho đô thị. Cuối tháng 8, Long An tìm được nhà đầu tư cho khu đô thị hơn 7.000 tỷ đồng tại phường 6, TP Tân An. Khu đô thị có diện tích 137 hecta, dự kiến dân số hơn 17.000 người. Hiện tại, trên địa bàn có nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn, có tiềm năng thu hút người ở, gia tăng dân số trong tương lai.

Kinh tế thương mại của Tân An được dự báo sẽ có sức bật trong thời gian tới khi tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon đầu tư đại siêu thị tại khu vực phường 6.

Các công trình trọng điểm cũng được đẩy nhanh tiến độ. Nổi bật là tuyến vành đai TP Tân An. Công trình này dài gần 23 km, gồm 9 gói thầu, tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm, giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua Tân An. Công trình cũng góp phần mở rộng cửa ngõ Sài Gòn, kết nối các tỉnh miền Tây với tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ.

LONG-AN

Dự án nút giao đường Hùng Vương (tuyến đường huyết mạch của thành phố) với Quốc lộ 62 dự kiến hoàn thành giữa tháng 9. Dự án có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng tạo sự thông thoáng cho nơi trước đây là điểm nghẽn của giao thông thành phố

Các tài sản công cũ, đã xuống cấp, không còn nhu cầu sử dụng được TP Tân An dự kiến bán đấu giá, dành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Mới nhất, khu vực sân vận động Long An sau 39 năm sử dụng đã xuống cấp, được tỉnh bán đấu giá với số tiền dự kiến hơn 1.800 tỷ đồng. Hai năm tới, tỉnh cũng tổ chức bán đấu giá 4 trụ sở cơ quan cũ tại TP Tân An gồm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Thanh tra Xây dựng và sân vận động tỉnh với tổng số tiền hơn 1.900 tỷ đồng (riêng sân vận động dự kiến thu hơn 1.822 tỷ đồng). Số tiền ngân sách này được quản lý, sử dụng bố trí vốn đầu tư xây dựng mới Khu Trung tâm Chính Trị – Hành chính tỉnh, Khu phức hợp thể dục thể thao, Bảo tàng – Thư viện tỉnh.

Tân An là đô thị hạt nhân của tỉnh Long An, cách TP HCM 47 km. Địa phương được công nhận thành phố năm 2009, thành đô thị loại II năm 2019. Nằm trên trục giao thông xuyên tâm gồm, tuyến tránh Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, cao tốc TP HCM – Trung Lương, bên cạnh đó là 2 nhánh sông chính (sông Bảo Định và sông Vàm Cỏ Tây) tạo cho TP Tân An lợi thế về vị trí để phát triển kinh tế, thương mại, bất động sản, là đầu mối giao thương kết nối với Tây Nam bộ.

Địa phương hiện có 9 phường, 5 xã. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu khu vực này là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía đông bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

TIN TỨC LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *